Nạn đói năm 1945 (kỳ 3): Hành trình của những “hồn ma” - Bài 1. Đoạn trường đày ải
- Lũ lượt những đoàn người như hình nhân bỏ quê hương tìm lên phố xá, mong kiếm thứ bỏ vào mồm. Và cuộc hành trình ấy kéo dài từ xó nhà đến Hà Nội đã biến con người thành hồn ma xác quỉ. Hoặc là gục chết bên đường hoặc ngoai ngoác sống trong khổ nhục...
Nạn đói năm 1945 (kỳ 3): Hành trình của những “hồn ma”
Bài 1. Đoạn trường đày ải
Nghe chúng tôi nhắc tới hình ảnh những người đói kéo nhau lên Hà Nội, bà Chén (xã Tây Lương, Tiền Hải, Thái Bình) cố ngước đôi mắt mù lòa, lẩy bẩy đôi chân còm nhưng đã phù đỏ để đi ra ngõ. Bà nhớ từ cái ngõ này, 60 năm trước bà đã ôm con hòa cùng đoàn người lê theo sự dẫn dắt của cái đói.
Đi đâu, về đâu thì không ai biết nhưng cứ từng đoàn từng đoàn rách rưới, giơ xương, trũng mắt như quỉ đói âm thầm, dắt díu nhau đi. Họ không phân biệt được nam nữ, già trẻ.
Chỉ có thể thấy những thân hình dài ngắn không đều mà đoán trẻ con hay người lớn mà thôi. Họ đi chậm. Không ồn ào, không cười nói. Thỉnh thoảng có người đổ gục xuống đường không giãy giụa. Nhiều thây người bất động, mắt mở trừng trừng không biết sống hay chết.
Tại các cổng chợ, ngã ba, đầu cầu, gốc cây họ nằm ngồi la liệt chìa tay ăn xin hay bới tìm lục lọi. Ngay đầu chợ, một người đàn bà có vẻ giàu có đi ngang qua, không hiểu bà ta kinh tởm hay ốm đau thế nào mà ôm bụng gập người nôn thốc nôn tháo. Hai ba đứa trẻ vội lao vào tranh nhau bốc bãi nôn, hối hả nhét vào mồm…
Bà Chén cũng gặp nhiều người ôm con nhỏ như mình. Những đứa trẻ còn sức thì khóc, không còn thì lả gục trên vai mẹ. Một người đàn bà xin được chút gì đó để ăn, bà ta kéo đầu con để chia cho nó. Gọi hồi lâu người mẹ ấy mới biết con mình đã chết tự khi nào. Trong góc chợ lại có một người đàn bà nhe răng, trợn mắt nằm co quắp chết bên hai đứa trẻ.
Thằng bé chắc chừng một tuổi không biết gì cứ hì hục nhay vú mẹ cho đến tận lúc tối trời. Bà Chén đi hai ngày một đêm như thế thì đến thị xã Thái Bình… Một số chết, một số ở lại, còn bà Chén và những đoàn người đói rách vô hồn đó cứ như thế tiếp tục đi lên Hà Nội… Trong Viện Sử học VN có lưu một bức thư của một tác giả nước ngoài là Vespy viết tháng 4/1945 tả về thảm cảnh của những cuộc hành trình này: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương, ngay cả những thiếu nữ đến tuổi dậy thì đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế.
Thỉnh thoảng họ dừng lại vuốt mắt cho một người trong bọn đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột một miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng để che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo vừa làm vải liệm, người ta thật lấy làm xấu hổ cho cái kiếp con người”.
Còn nữa
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 4): Chặng cuối của cuộc đọa đày: Bài 2-Những hố chôn tập thể - 14/04/2019 21:25
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 4): Chặng cuối của cuộc đọa đày -Bài 1- Nơi đóng cửa trần gian - 09/04/2019 09:08
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 3): Hành trình của những “hồn ma” - Bài 3: Điểm hẹn Sinh tồn - 12/03/2019 11:21
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 1): Thảm cảnh quê nhà - Tiếp - 06/03/2019 21:29
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 3): Hành trình của những “hồn ma” - Bài 2: Nhân tính tiêu tan vì đói - 21/02/2018 18:17
Các tin khác
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 2): Dưới đáy của địa ngục - Bài 2: Bi thương hơn chết đói - 09/11/2017 21:02
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 1): Thảm cảnh quê nhà bài 3-Người khiêng xác - 14/09/2017 21:09
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 2): Dưới đáy của địa ngục - Bài 1: Nhà hoang - làng trắng - 08/08/2017 10:43
- Nạn đói năm 1945 (kỳ 4): Chặng cuối của cuộc đọa đày-Khi chúng ta no ấm - 31/12/2016 23:30